Truy thu tiền bảo hiểm xã hội được thực hiện như thế nào?

Trước đây công ty tôi có ký hợp đồng lao động với 1 người trong khoảng thời gian 2 tháng để thay thế tạm thời cho 1 người bị tai nạn lao động của chúng tôi. Thấy người này làm việc rất tốt nên sau đó công ty liền ký hợp đồng lao động 2 năm và đóng bảo hiểm cho người này. Giờ tôi băn khoăn không biết khoảng thời gian làm 2 tháng trước đó người này có phải đóng bảo hiểm hay không? Nếu có thì sẽ phải truy thu tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng đó đúng không ạ? Khi đó tiền truy thu sẽ dựa trên mức lương của người lao động tại thời điểm nào thế ạ? Và chúng tôi có bị phạt gì không? Tôi cám ơn nhiều!

GIẢI ĐÁP:

Thứ nhất, về vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc 2 tháng

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 và Khoản 1 Điều 124 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;”

Điều 124. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, trừ quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018″.

Do bạn không nêu rõ thông tn nên chúng tôi xin được tư vấn cho bạn theo 02 trường hợp sau đây:

– Nếu hợp đồng lao động 02 tháng này được ký trước ngày 01/01/2018 thì người lao động này không thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. 

– Nếu hợp đồng lao động 02 tháng này được ký trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2018 trở lại đây thì người lao động và công ty bạn cũng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho 02 tháng này. 

 

 

Thứ hai, về vấn đề truy thu tiền bảo hiểm xã hội

Căn cứ Khoản 1 Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về truy thu bảo hiểm xã hội:

Điều 38. Truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN

1. Các trường hợp truy thu

1.1. Truy thu do trốn đóng: Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (sau đây gọi là trốn đóng) do cơ quan BHXH kết luận thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền kết luận từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng…”.

Theo quy định trên, nếu người lao động của công ty bạn làm việc theo hợp đồng lao động 02 tháng từ ngày 01/01/2018 mà đơn vụ bạn chưa đóng bảo hiểm cho khoảng thời gian này thì sẽ trường hợp truy thu tiền đóng bảo hiểm xã hội khi đáp ứng đủ các điều kiện:

– Cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan BHXH thanh tra buộc truy thu.

– Đơn vị đề nghị truy thu đối với người lao động.

– Hồ sơ đúng đủ theo quy định tại Phụ lục 02 của Quyết định 595/QĐ-BHXH kèm theo Mẫu D04h-TS.

 

 

Thứ ba, về tiền lương làm căn cứ truy thu bảo hiểm xã hội

Căn cứ Khoản 3 Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về tiền lương làm căn cứ truy thu bảo hiểm xã hội như sau:

3. Tiền lương làm căn cứ truy thu, tỷ lệ truy thu

3.1. Tiền lương làm căn cứ truy thu là tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN đối với người lao động theo quy định của pháp luật tương ứng thời gian truy thu, tiền lương này được ghi trong sổ BHXH của người lao động”.

Theo đó, tiền lương làm căn cứ truy thu là tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN đối với người lao động theo quy định của pháp luật tương ứng thời gian truy thu của 2 tháng đó; tiền lương này được ghi trong sổ BHXH của người lao động.

Thứ tư, về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính khi truy thu tiền bảo hiểm xã hội

Căn cứ Khoản 4 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP thì khi tiến hành truy thu bảo hiểm; đơn vị sẽ bị phạt thêm:

– Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động.

– Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.