GIẢI ĐÁP:
Thứ nhất, về thời điểm hưởng chế độ hưu trí của bạn
Căn cứ Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 điều kiện nghỉ hưu trước tuổi như sau:
“1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành“.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động năm 2019 thì:
“2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.”
Theo quy định trên, năm 2021 tuổi đời của lao động nam là 58 tuổi và đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm nếu bạn bị suy giảm khả năng lao động 61% có xác nhận của Hội đồng Giám định y khoa thì có thể hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức hưởng thấp hơn so với người về hưu đúng tuổi.
Tuy nhiên, bạn không bị suy giảm khả năng lao động nên phải chờ đến 60 tuổi 3 tháng mới đủ điều kiện nghỉ hưu vào năm 2021.
Thứ hai, về vấn đề bạn đóng thêm BHXH tự nguyện
Căn cứ Khoản 1 và Khoản 4 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;…
… 4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này”.
Như vậy, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bạn cho biết bạn đã chấm dứt hợp đồng lao động nên bạn không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc. Nếu có nhu cầu bạn có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Thứ ba, về thủ tục hưởng lương hưu khi đã nghỉ việc ở công ty
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Quyết định 166/QĐ-BHXH trường hợp bạn đã nghỉ việc ở công ty thì bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
– Sổ BHXH;
– Đơn đề nghị theo mẫu số 14-HSB (Ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH);
– Biên bản giám định mức suy giảm KNLĐ của Hội đồng GĐYK (nếu có) hoặc bản sao giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (tương đương mức suy giảm KNLĐ 61% nếu có).
Bạn sẽ tự nộp các giấy tờ nêu trên cho cơ quan BHXH cấp quận/huyện nơi thường trú.
Tối đa 12 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định, bạn sẽ được giải quyết chế độ.