Quy định về tính lãi báo tăng giảm chậm của bảo hiểm xã hội

Đơn vị em là đơn vị trường học nên hay nâng lương cho giáo viên. Khi nào có quyết định nâng lương thì em làm báo tăng cho bảo hiểm xã hội, trước đó em vẫn nộp bảo hiểm xã hội với mức lương như thường. Khi có người chuyển đến hoặc chuyển đi, em có làm báo tăng và báo giảm trong tháng nhưng đến tháng sau bảo hiểm xã hội mới cập nhật. Quá trình tăng giảm em đều nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội nhưng vẫn bị tính lãi, em không hiểu lý do vì sao và có quy định nào tính lãi báo tăng giảm chậm hay không?

GIẢI ĐÁP:

Về vấn đề: Quy định về tính lãi báo tăng giảm chậm của bảo hiểm xã hội; chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội:

“Điều 122: Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng;

nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội”.

Bên cạnh đó, Điều 17 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định  về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

“1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nếu doanh nghiệp có hành vi chậm đóng bảo hiểm từ 30 ngày trở lên thì phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng, nộp tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. 

 

 

Về quy định tính lãi khi đóng chậm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Điều 5 Thông tư 20/2016/TT-BTC:

“1. Trường hợp chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lãi chậm đóng được xác định hằng tháng theo công thức sau:

Số tiền lãi phải thu phát sinh trong tháng (n) = Số tiền chậm đóng lũy kế đến cuối tháng (n-2) x Lãi suất chậm đóng (%/tháng)

Trong đó:

– (n) là tháng xác định tiền lãi chậm đóng.

– (n-2) là tháng liền trước 02 tháng của tháng (n).

– Lãi suất chậm đóng (%/tháng) là mức lãi suất bình quân tính theo tháng do BHXH Việt Nam thông báo đầu năm theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg.

3. Số tiền lãi chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải thu trong tháng gồm số tiền lãi chậm đóng lũy kế đến cuối tháng trước liền kề chuyển sang và số tiền lãi chậm đóng tính trên số tiền chậm đóng phát sinh trong tháng được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều này“.

 

 

Trong trường hợp của bạn, bạn không nói rõ về việc báo tăng giảm vào thời điểm nào và thời điểm nào người lao động vào làm việc. Vậy nên chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

+) Nếu bạn khai báo tăng, giảm chậm dưới 30 ngày thì sẽ không phải đóng tiền lãi chậm đóng bảo hiểm;

+) Nếu bạn khai báo tăng giảm chậm từ 30 ngày trở lên thì sẽ phải đóng tiền lãi chậm đóng.

Để làm rõ việc có bị truy đóng đúng hay không, bạn có thể liên lạc trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đơn vị mình đóng bảo hiểm để thắc mắc, hỏi rõ nguyên nhân việc bị tính tiền lãi chậm đóng hay tiền do các vấn đề khác.