Căn cứ văn bản
Để giải đáp các vấn đề về thuế thu nhập cá nhân, mức đóng thuế thu nhập cá nhân cho từng trường hợp sẽ được căn cứ vào 3 văn bản pháp luật sau:
- Luật số: 04/2007/QH12 - Luật thuế thu nhập cá nhân ban hành ngày 21 tháng 11 năm 2007
- Luật số: 26/2012/QH13 - Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân ban hành ngày 22 tháng 11 năm 2012.
- Luật số: 71/2014/QH13 - Luật sửa đổi, bổ sung một số của các luật về thuế ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2014.
Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Thuế thu nhập là thuế đánh vào thu nhập của cá nhân và pháp nhân, thuế thu nhập cá nhân là một nhánh của thuế thu nhập.
Trong trường hợp đánh vào thu nhập của cá nhân, được gọi là thuế thu nhập cá nhân.
Trong trường hợp đánh vào thu nhập của pháp nhân, được gọi là thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sự nghiệp, thuế lợi nhuận, v.v...
Căn cứ vào Điểm a, Khoản 2, Điều 3, Luật thuế thu nhập cá nhân ban hành ngày 21/11/2007 quy định tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công thuộc thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ vào nội dung quy định tại Điều 2, Luật thuế thu nhập cá nhân ban hành ngày 21/11/2007 có ba đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân gồm:
Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3, Luật thuế thu nhập cá nhân, phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
+ Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
+ Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng 2 điều kiện cá nhân cư trú trên.
Căn cứ vào Điều 3, Luật thuế thu nhập cá nhân được sửa đổi bổ sung tại Luật 26/2012/QH13 có 10 loại thu nhập chịu thuế bao gồm các loại sau:
- Thu nhập từ kinh doanh
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công
- Thu nhập từ đầu tư vốn
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
- Thu nhập từ trúng thưởng
- Thu nhập từ bản quyền
- Thu nhập từ nhượng quyền thương mại
- Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
- Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
Mức lương bao nhiêu thì đóng thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ vào nội dung được quy định tại Điều 19, Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 thuế thu nhập cá nhân được đóng dựa trên Biểu thuế lũy tiến từng phần.
Xét trường hợp mức lương bao nhiêu thì đóng thuế thu nhập cá nhân sẽ căn cứ vào biểu thuế này.
Biểu thuế để căn cứ đóng thuế thu nhập cá nhân cho người lao động
Tuy nhiên, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 ban hành ngày 22/11/2012 quy định từ 1/7/2013 sẽ áp dụng mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó người lao động có thu nhập mức lương trên 9 triệu đồng/tháng và không có người phụ thuộc mới phải nộp thuế.
Mức giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú.
Căn cứ vào Điều 19, Luật thuế thu nhập cá nhân và Khoản 4, Điều 1, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân 2012, quy định các trường hợp được giảm trừ và mức giảm trừ gia cảnh như sau:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm);
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Như vậy, đối với người có mức lương trên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/ năm) đã trừ đi các khoản đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, các khoản đóng quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện theo quy định mà có người phụ thuộc thì chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Trong trường hợp người lao động có một người phụ thuộc tương đương mức lương trên 12,6 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế, có hai người phụ thuộc tương đương mức lương trên 16,2 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế. Cứ như vậy nếu có càng nhiều người phụ thuộc tương đương với mức lương phải nộp thuế theo quy định càng cao.