Gần 3,2 triệu đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên

Thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP, hiện cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội cho gần 3,2 triệu đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 17 ngàn tỷ đồng.

Để triển khai chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư quy định chi tiết và các văn bản hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện xã; thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức… nhờ đó các chế độ chính sách đã được triển khai kịp thời. Hiện đang thực hiện trợ cấp xã hội cho gần 3,2 triệu đối tượng với tổng kinh phí thực hiện trên 17 ngàn tỷ đồng. Thực hiện Quyết định 488 về đổi mới và phát triển hệ thống chính sách trợ giúp xã hội, đã có 11 tỉnh, thành phố quyết định mở rộng đối tượng hưởng chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội. Công tác chi trả chính sách đã chuyển sang cơ quan Bưu điện, tạo điều kiện cho địa phương tập trung cán bộ cho công tác quản lý, kiểm tra giám sát.

Đội ngũ nhân viên công tác xã hội được phát triển ở nhiều lĩnh vực

Đối với chính sách đối với người cao tuổi, đến nay, cả nước có 1,8 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội, khoảng 10.000 người cao tuổi đang được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội; 95% người cao tuổi có thẻ BHYT, hơn 1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ hàng năm, 106 bệnh viện có khoa Lão khoa, hơn 1,57 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 9.575 xã, phường, thị trấn thành lập được quỹ chăm sóc với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng, 1.900 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thành lập ở 55 tỉnh, thành phố, thu hút 65 nghìn NCT tham gia.

Về chính sách đối với người khuyết tật, đã cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, thực hiện trợ cấp xã hội cho 1 triệu người khuyết tật, 50 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, 100% bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh có khoa PHCN;  20 tỉnh, thành phố có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt; học sinh khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 đã tăng 10 lần so với giai đoạn 2000 - 2010. Cả nước có 1.914 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo cho khoảng 20.000 người khuyết tật/năm. Chính sách miễn, giảm giá vé tham gia giao thông công cộng đã được thực hiện tốt hơn, phong trào thể dục thể thao, giải thi đấu thể thao cho người khuyết tật được quan tâm thực hiện thường xuyên, hàng năm có  từ 500 - 600 vận động viên khuyết tật tham gia với 5 - 8 môn thi đấu.

Trong công tác xã hội; phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Đề án 32 đã hỗ trợ hoàn thiện kế hoạch đào tạo công tác xã hội hệ cử nhân ở 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội; hàng năm đào tạo khoảng 2.500 người. Trong đó, hàng năm đã đào tạo hàng trăm thạc sĩ. Riêng chương trình Hợp tác với Học viện Xã hội châu Á đã đào tạo trên 20o thạc sỹ. Ngoài ra, còn phối hợp với các trường đại học đào tạo 500 giảng viên dạy nghề công tác xã hội và các trường cao đẳng, trung cấp nghề đào tạo 800 cán bộ, quản lý công tác xã hội cấp cao; hàng năm các địa phương bồi dưỡng 10.000 cán bộ, nhân viên công tác xã hội. Xây dựng giáo trình đào tạo về lĩnh vực sức khỏe tâm thần, tổ chức lớp đào tạo trên 1.050 cán bộ, nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Cả nước hiện có 1,8 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội

Cùng với đó, đã chú trọng phát triển đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội, với khoảng 235 nghìn người. Trong đó có 35.000 người làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng…tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Thực hiện Nghị định số 103 và Quyết định số 565, cả nước đã thành lập và củng cố hoạt động của 425 cơ sở trợ giúp xã hội (191 cơ sở công lập và 234 cơ sở ngoài công lập) đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng.  Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, lao động và dạy nghề, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa và chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng. Bộ LĐTBXH đã hướng dẫn các địa phương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các mô hình trung tâm, hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho khoảng 50 cơ sở trợ giúp xã hội. Nhiều mô hình trung tâm vận hành hiệu quả, như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, Hồ Chí Minh, Thái Nguyên… Các địa phương từng bước chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Ngoài ra, Bộ đã ban hành kế hoạch chi tiết xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; ban hành thông tư quy định về việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và giảm nghèo; thí điểm đăng ký giải quyết chính sách trợ giúp xã hội và chi trả chính sách bằng phương thức điện tử tại Cao Bằng, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc. Qua thí điểm cho thấy hệ thống đăng ký giải quyết chính sách đã giúp cho đối tượng thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách. Việc xác định đối tượng hưởng, quản lý, theo dõi chi trả, tổng hợp báo cáo cũng rất thuận lợi và chính xác.

Có thể nói, với sự quan tâm chỉ đạo, thực hiện đồng bộ chính sách trợ giúp xã hội, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Các đối tượng được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch, trợ giúp pháp lý... Đến nay, mức độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội đã tăng lên./.

Hồng Phượng